Gia đình là tế bào của xã hội, là điểm tựa
cho mỗi con người, là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, giáo dục nhân cách mỗi chúng
ta. Bác Hồ đã nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì
xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia
đình".
Trải qua nhiều thế hệ gia đình Việt Nam
được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây
dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị quý báu như truyền thống yêu nước,
yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung hiếu nghĩa hiếu học, cần
cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử
thách được gia đình giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử
dựng nước và giữ nước.
Ngày 04/5/2001 Thủ tướng Chính phủ đã có
Quyết định số 72/2001/QĐ-TTG về việc chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình
Việt Nam và chọn tháng 6 là tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực
gia đình. Đây là cơ hội để mỗi chúng ta, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đoàn thể,
địa phương đề cao trách nhiệm trong việc chăm lo xây dựng gia đình, nhằm tạo
điều kiện mỗi gia đình Việt Nam
thực sự là tổ ấm, là tế bào lành mạnh của xã hội.
Trong những năm qua
nhận thấy được tầm quan trọng của công tác Gia đình. Các cấp ủy Đảng, chính
quyền trên địa bàn huyện Nam Đàn đã quan tâm chỉ đạo và được cụ thể hóa, lồng
ghép vào các hoạt động của Phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa" và phong
trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn”, Phong trào “Xây dựng nông thôn
mới”. Các ban, ngành, đoàn thể đã cụ thể hóa nội dung về công tác Gia đình
với các nội dung thi đua như phong trào: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu
thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “xóm, phố bình yên, gia đình hạnh phúc”,
phong trào xoá đói, giảm nghèo...
Tỷ lệ
gia đình văn hóa hàng năm trên địa bàn huyện tăng cả về số lượng và chất lượng,
đến cuối năm 2016 có 84,85% gia đình đạt tỷ lệ “Gia đình văn hóa”. Nhiều xã làm
tốt quy trình bình bầu gia đình văn hóa, có tỷ lệ gia đình văn hóa ngày càng
cao như: Kim Liên, Xuân Hòa, Nam Thanh, Hồng Long...Một số gia đình văn hóa
tiêu biểu như: Gia đình ông Nguyễn Đình Sơn – xóm 3 xã Nam Tân là gia đình làm
kinh tế giỏi, nuôi dạy con cái thảo hiền học giỏi, có nhiều đóng góp cho công
tác từ thiện xã hội hóa; đại diện gia đình chính sách tiêu biểu như gia đình
ông Trần Quang Nghĩa, xóm 21, xã Xuân Lâm; gia đình bà Lê Thị Sâm, xóm Đông
Sơn, xã Hùng Tiến, gia đình ông Nguyễn Văn Mão - Anh hùng LLVT, xóm 5, xã Xuân
Hòa ...trong chiến tranh họ là những con người anh dũng, kiên cường đã bỏ lại
một phần xương máu ở chiến trường, song trong thời bình họ lại là những người
cha, người ông gương mẫu nuôi dạy con cháu thảo hiền, làm kinh tế giỏi; Gia
đình giáo dân tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Như Hà, khối Phan Bội Châu, thị
trấn Nam Đàn, gia đình ông Đinh Chí Khởi xóm Hồng Lĩnh, xã Nam Hưng, gia đình
ông Nguyễn Văn Thanh, xóm Xuân Lâm, xã Hùng Tiến...là những gia đình giáo dân
gương mẫu sống tốt đời, đẹp đạo, đoàn kết lương giáo, làm kinh tế giỏi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được.
Hoạt động công tác Gia đình ở một số nơi chưa tích cực. Công tác chỉ đạo, kiểm
tra, đôn đốc chưa thường xuyên.Tình hình bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra khá
phức tạp ở một số địa phương. Ngoài một số vụ bạo lực gia đình đã được phát
hiện, xử lý, còn nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực diễn ra trong nhiều gia
đình nhưng chưa được phát hiện, giải quyết kịp thời. Công tác tuyên truyền,phổ
biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn
nhân và gia đình... ở một số địa phương chưa được tiến hành thường xuyên, hình
thức và nội dung tuyên truyền chưa phong phú, hấp dẫn như: Nam Anh, Vân Diên...
Chất lượng và hiệu quả hoạt động của các mô hình địa chỉ tin cậy, các CLB tại
cộng đồng ở một số nơi còn thấp... Những tồn tại nêu trên là do cả nguyên
nhân chủ quan và khách quan như: Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên và
người dân về công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình còn chưa đầy đủ,
chưa có sự quan tâm thỏa đáng về công tác này. Kinh phí dành cho công tác gia
đình và PCBLGĐ các cấp chưa phân bổ trong kế hoạch chi ngân sách của địa
phương, đơn vị. Chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác gia đình ở các cấp nên
công tác tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả chưa cao. 
Gia đình hạnh phúc
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc
phục những tồn tại, hạn chế vừa qua, BCĐ công tác gia đình cấp huyện và cơ sở
cần tiếp tục tham mưu, đưa công tác gia đình; PCBLGĐ vào các chương trình, kế
hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và nhiệm vụ của ngành, đơn vị;
nâng cao trách nhiệm, phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của các ngành
thành viên BCĐ công tác gia đình các cấp; Bố trí cán bộ và đầu tư kinh phí đảm
bảo cho công tác gia đình và PCBLGĐ các cấp. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán
bộ làm công tác gia đình các cấp; tổ chức các Kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc
20/3; Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; Tháng hành động quốc gia PCBLGĐ (tháng 6);
Tổ chức Hội thi kiến thức Bình đẳng giới – PCBLGĐ; Hỗ trợ kinh phí,tài liệu
sinh hoạt cho các mô hình địa chỉ tin cậy, CLB và Đội PCBLGĐ. Kịp thời phát
hiện, xử lý các vụ bạo lực gia đình trên địa bàn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất
tình trạng bạo lực gia đình; Tăng cường công tác phối hợp chuyên ngành kiểm
tra, giám sát kết quả thực hiện công tác gia đình, PCBLGĐ; Đẩy mạnh công
tác thi đua khen thưởng biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong
công tác gia đình và PCBLGĐ; tổ chức công tác sơ kết, tổng kết các Chương
trình, đề án có liên quan đến công tác gia đình; PCBLGĐ.
Với truyền thống nhân văn, cao cả, truyền
thống yêu quê hương đất nước, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Với sự quan tâm của
cấp ủy chính quyền các cấp, tin tưởng rằng công tác gia đình trên địa bàn Nam
Đàn trong những năm tới sẽ thu được nhiều kết quả, gia đình sẽ thực sự là nhân tố
quan trọng, quyết định sự bền vững của xã hội.
|